Thị trường phần mềm cho ngành y tế: mới như thầy bói sờ voi

Chính sách quản lý ngành của bộ Y tế không thống nhất và không có nguồn dữ liệu chung. Thật khó xây dựng phần mềm ứng dụng cho ngành y tế trong điều kiện như vậy… Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp phần mềm khó tiếp cận lĩnh vực rộng lớn, giàu tiềm năng này

Thiết bị tin học trong bệnh viện hiện nay đã theo kịp thế giới, nhưng phần mềm quản lý bệnh nhân lại khá xộc xệch. Ảnh: Trần Việt Đức

Ngành y tế là ngành triển khai khá sớm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý ngành và hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện, trước hết là những bệnh viện lớn. Năm 1996, sở Y tế TP.HCM đã đặt hàng cho công ty Link Toàn Cầu viết phần mềm để quản lý hoạt động của ngành y tế. Sau đó, Link Toàn Cầu đã cung cấp Medisoft 2003 và Medisoft 2007.

Năm 2000, sau khi đưa vào hoạt động website ykhoa.net, năm 2002 công ty Hoàng Trung chính thức vào lĩnh vực viết phần mềm cho ngành y tế với phần mềm đầu tiên mang tên MSHos. Năm 2004, Hoàng Trung chuyển sang viết bằng dot.net, từ đó phần mềm MSHos chuyển thành ykhoa.net đã và đang “chạy” tại bệnh viện Cao Lãnh (Đồng Tháp), trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM… Năm 2003, FPT đã có hợp đồng triển khai phần mềm eHospital đầu tiên với bệnh viện Triều An (TP.HCM), sau đó triển khai tại bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, bệnh viện đại học Y dược cơ sở 2, Tây Đô… Năm 2005, công ty cổ phần phần mềm y tế Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm phần mềm ứng dụng vào bệnh viện… Còn khá nhiều doanh nghiệp phần mềm khác vào thị trường y tế với những phần mềm quản lý nhỏ lẻ, nhưng sau đó đã rút khỏi lĩnh vực này vì không thể đáp ứng những yêu cầu chuyên biệt của lĩnh vực y khoa.

Đi từng bước… vì khó

Bác sĩ Phan Thanh Hải (MEDIC) nhận xét: “Muốn viết phần mềm cho ngành y tế, trước hết công ty phần mềm phải có cơ cấu chuyên môn: bác sĩ để hiểu về quản lý ngành và lập trình viên chịu khó”. Chịu khó ở đây được hiểu là các lập trình viên phải chỉnh sửa liên tục theo những quy định mới của ngành và quy trình quản lý của từng cơ sở chữa bệnh. Theo hướng này, có những công ty mà người đứng đầu doanh nghiệp vốn và hiện đang làm việc trong ngành y như công ty Hoàng Trung, Link Toàn Cầu, VIMES… họ không phụ thuộc vào bệnh viện mà vẫn có thể tự viết phần mềm như: Medisoft, ykhoa.net…

Còn với những doanh nghiệp không có bác sĩ cơ hữu, khi tham gia dự án, phải thành lập tổ tư vấn gồm bác sĩ của bên đặt hàng và kỹ thuật viên của công ty phần mềm. Được biết, những bác sĩ này sẽ đi theo dự án từ khi “khởi công” cho đến lúc “khánh thành”. Ông Vương Quang Hậu, phó giám đốc trung tâm Phần mềm y tế và giáo dục (công ty phát triển phần mềm FPT) thừa nhận: “Làm phần mềm y tế cực kỳ khó. Khó ở đây không phải về mặt nghiệp vụ bệnh viện, mà khó ở khâu triển khai ứng dụng. Quy trình làm việc và thói quen viết tay của nhân viên bệnh viện khó thay đổi vì không có thời gian cũng như họ bị áp lực tình trạng quá tải bệnh nhân”. Ông Hậu còn cho biết, cái khó của việc ứng dụng phần mềm tại các bệnh viện là ở chuyện tế nhị trong hoạt động chuyên môn, từ khâu khám chữa bệnh cho đến quản lý mua bán thuốc. Nếu đưa hết lên máy hết sẽ làm lộ “chuyện kinh doanh của đội ngũ y tế hiện nay”.

Nhưng điểm vướng khó nhất mà tất cả các doanh nghiệp làm phần mềm cho ngành y tế đều “than trời” chính là những chính sách quản lý của bộ Y tế không thống nhất và quan trọng nhất là không có nguồn dữ liệu chung. Theo quy định của bảo hiểm y tế, tham gia bảo hiểm y tế hai năm mới được chụp CT nhưng trên thẻ bảo hiểm y tế của từng cá nhân chỉ có giá trị từng năm. Do vậy, nếu không có dữ liệu gốc của hệ thống thì không thể có phần mềm nào truy xuất thông tin này để người mua dịch vụ bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi.

Cung – cầu chưa gặp nhau

Ông Vũ Mạnh Tiến, giám đốc công ty Link Toàn Cầu nói: “Lĩnh vực này còn rộng lắm, chưa thể khai thác hết”. Theo một chuyên gia về lĩnh vực phần mềm cho ngành y tế, hiện nay cung và cầu chưa gặp nhau vì… thiếu thái độ kiên quyết từ cấp cao nhất là bộ Y tế. Bệnh viện tự tìm những phần mềm cần cho công việc của mình. Sau khi tháo gỡ “lệnh” dùng Medisoft 2003, đến nay vẫn còn nhiều bệnh viện dùng phần mềm này trong khi chờ một giải pháp hoàn chỉnh. Bệnh viện Cao Lãnh (Đồng Tháp) là một trường hợp điển hình khi đang chạy song song hai phần mềm: Medisoft 2003 cho việc quản lý bệnh nhân nội trú và đang thử nghiệm phần mềm ykhoa.net cho quản lý tổng thể, từ khâu khám chữa bệnh cho đến khâu xuất viện. Bác sĩ Oanh của bệnh viện Cao Lãnh nói: “Chúng tôi không chê Medisoft 2003 nhưng đây là phần mềm lẻ, khó cho quản lý tổng thể. Nếu ykhoa.net chạy ổn định, chúng tôi sẽ chọn giải pháp này vì nó giải quyết được nhiều khâu”.

Thực tế, việc ứng dụng phần mềm trong việc quản lý ngành, các bệnh viện còn manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa có sự đồng bộ về mặt công nghệ nên việc tích hợp hệ thống chung sẽ là “chuyện không tưởng”, ít nhất là vào thời điểm này! Theo cách nhìn của ông Hậu, ngoài những lý do trên, còn có lý do kinh phí dành để ứng dụng phần mềm của các bệnh viện ít, có tiền tới đâu làm tới đó nên các công ty phần mềm không tiên liệu bệnh viện cần gì và cần như thế nào cho công việc hiện tại và tương lai.

Cũng cần nhìn nhận rằng, hiện nay trong các doanh nghiệp làm phần mềm cho ngành y tế đang có hiện tượng không thừa nhận lẫn nhau, ai cũng cho sản phẩm của mình là “vô địch thiên hạ” nên khó kết nối thành một hệ thống đồng bộ với nhau. Nếu bộ Y tế biết cách tập hợp nhà chuyên môn và nhà hoạch định chính sách bàn về giải pháp tổng thể công nghệ cho ngành, chắc chắn sẽ xây dựng được kho dữ liệu chung. Có như thế mới phát triển được.

Trọng Hiền

Bình luận về bài viết này